Thế Vận hội Môn cưỡi ngựa

Xem thêm: Đua ngựa

Bộ môn

Trước đây, vào thời Hy Lạp cổ đại, Thế Vận hội có môn cưỡi ngựa, các cuộc đua ngựa, diễn ra trong các trường đua, gồm cuộc đua có xe kéo và đua cưỡi ngựa, đây là đặc quyền của quý tộc. Về cuộc đua 4 ngựa, xe được 4 ngựa kéo, nó mang lại vinh quang thể thao quan trọng, nhưng phải nhớ rằng chỉ có chủ sở hữu xe và ngựa mới được nhận vòng nguyệt quế, biểu tượng của chiến thắng, chứ không phải là người cưỡi ngựa đua hay người đánh xe ngựa. Những hình tượng này đã được phản ánh trong văn học, nghệ thuật từ cổ đại đến nay.

Cưỡi ngựa nghệ thuật đã là nội dung của Olympic vào năm 1900 và trở thành môn chính thức của Olympic đều đặn từ năm 1912 đến những năm nay. Khá với môn đua ngựa, môn thi đấu này phải là môn trình diễn, mang nặng tính nghệ thuật. Từ trang phục của vận động viên cho đến nội dung thi đấu, từ sự cầu kỳ trong khâu chuẩn bị tranh tài cho đến sân bãi phục vụ cuộc thi, tất cả đều toát lên sự sang trọng, đầy phép tắc của một môn chơi thượng lưu, gắn liền với các hoàng gia. Các bộ môn liên quan đến Mã Thuật được tranh tài tại Thế Vận Hội và các giải Vô Địch Thế Giới hiện nay hầu như đều bắt nguồn từ những tiêu chuẩn căn bản của Mã Thuật phong cách Anh (English riding).

Tại Thế Vận Hội, Mã Thuật có 3 bộ môn tranh tài. Nội dung trình diễn trong cưỡi ngựa nghệ thuật gồm 3 nhóm chính:

Cưỡi ngựa thi đấu tại Thế Vận hội với nội dung biểu diễn nghệ thuật (Dressage)
  • Cưỡi ngựa trình diễn hay Cưỡi ngựa nghệ thuật (Dressage): Là nhóm nội dung thi đấu có tính cách nhẹ nhàng như một cữ dượt, chủ yếu mang tính phô diễn.
  • Nhảy ngựa (Jumping) hay Cưỡi Ngựa Vượt Chướng Ngại Vật (Show Jumping) hay từ nhảy vượt xà: điều khiển cho ngựa nhảy qua chướng ngại vật (thông thường là một rào chắn) một cách nhẹ nhàng và gọn gàng.
  • Nội dung Cưỡi ngựa Toàn năng (Eventing) hay còn gọi là Mã thuật tổng hợp hay còn gọi là thử ngựa, là nội dung thi đấu có độ khó khi các cặp ngựa và nài ngựa phải lần lượt thực hiện tất cả những gì có trong môn cưỡi ngựa. Kĩ năng cưỡi ngựa (bao gồm nhảy qua lưng ngựa, trình diễn trên lưng ngựa và đua ngựa 3 ngày liên tiếp).
Cưỡi Ngựa Vượt Chướng Ngại Vật (Show Jumping)

Trước đây, tại kỳ Thế Vận Hội Paris 1900 còn có bộ môn Cưỡi Ngựa Nhảy Cao và Cưỡi Ngựa Nhảy Xa, nhưng vì tính cách nguy hiểm của những trường hợp bị ngã ngựa nên sau đó hai bộ môn này đã bị hủy bỏ. Ngoài ra, bộ môn Cưỡi Ngựa Biểu Diễn (Figure) cũng chỉ được công nhận một lần tại kỳ Thế Vận Hội Antwerp tổ chức tại Bỉ Quốc vào năm 1920. Trong lịch sử Thế Vận Hội cận đại, từ trước kỳ Thế vận hội Helsinki năm 1952 chỉ có quân nhân mới được tranh tài các bộ môn Mã Thuật. Hiện nay, Mã Thuật là môn thể thao được sử dụng động vật và không phân biệt giới tính tuyển thủ tại vũ đài Thế Vận Hội.

Tại giải Vô Địch Mã Thuật Thế Giới thì được tăng thêm 3 bộ môn thi đấu khác, tổng cộng có 6 bộ môn, trong đó 03 nội dung bổ sung là:

  • Đua Xe Ngựa (Harness racing) hay còn gọi là đua ngựa kéo xe: Đây là nội dung đưa ngựa nhưng không thuộc thể loại cưỡi ngựa vì tuyển thủ thi đấu không trực tiếp ngồi trên lưng ngựa.
  • Biểu diễn thể thao trên lưng ngựa hay xiếc ngựa (Vaulting): Đây là bộ môn biểu diễn mang tính xiếc thuật, nhào lộn trên lưng ngựa với độ khó rất cao.
  • Đua ngựa cự ly dài hay đua ngựa đường trường (Long Distance Ride): Đây là phần thi đánh giá sức bền của ngựa cũng như của nài ngựa. Đây là nội dung đua ngựa băng đồng, đua ngựa 3 ngày liên tiếp.

Ngoài ra, hiện nay, nước Anh đang vận động đưa môn cưỡi ngựa đấu thương vào thi đấu Olympic. Cưỡi ngựa đấu thương là một cuộc thi của 2 hiệp sĩ. Họ mặc giáp toàn thân, cưỡi ngựa, lao vào nhau và cố gắng đẩy người kia ngã xuống đất bằng một chiếc thương dài 3,7m với đầu thương được bọc tròn nhằm tránh gây thương tích cho đối thủ. Những kỵ sĩ đấu thương chuyên nghiệp cho biết, môn thể thao này xứng đáng được công nhận là môn võ nghệ thuật phương Tây và nên được thêm vào danh sách thi đấu ở Olympic.

Được hỗ trợ bởi tổ chức English Heritage, một tổ chức từ thiện bảo tồn 400 di tích văn hóa, lịch sử, và đã đưa ra bản kiến nghị trực tuyến nhằm đưa môn thể thao này đến thế vận hội Rio. Đầu tiên để được công nhận là một môn thể thao Olympic cần ít nhất là bảy năm. Và cần phải có một Liên đoàn quốc tế kỵ sĩ đấu thương được thành lập và tổ chức giải vô địch thế giới. Sẽ mất nhiều năm nữa để môn thể thao này trở nên phổ biến, và chặng đường để đưa môn thể thao này đến với Olympic còn rất dài, nhưng đó là cách để nước Anh, cũng như các quốc gia châu Âu có thể bảo tồn nền văn hóa của mình.

Thể thức

Trình diễn cưỡi ngựa phối hợp với nội dung thử ngựa-toàn năng (Eventing)

Cưỡi ngựa trình diễn (Dressage) được xem là nhóm nội dung nhẹ nhàng nhất, như một môn cữ dượt, chủ yếu mang nặng tính phô diễn. Trong tiếng Pháp thì từ "Dressage" được hiểu theo nghĩa đen là "đào tạo" hay trang hoàng và đó là những gì sẽ được đánh giá trong suốt cuộc thi đấu. Nội dung Dressage được gọi là Cưỡi ngựa trình diễn, cưỡi ngựa nghệ thuật. Liên đoàn thể thao quốc tế đã đặt tên cho môn thi đấu này là cưỡi ngựa biểu diễn là thể hiện ấn tượng nhất trong việc huấn luyện ngựa.

Môn thi đấu này này chủ yếu ở chỗ ngựa và người phải hòa hợp thành một chủ thể thống nhất từng động tác một cách tinh tế như vậy mới được chấm điểm cao trong các kỳ thi. Ngựa thể hiện cách nhún nhảy, đi bộ, làm dáng cơ bản, muốn ngựa nhấc một chân trước là ngựa làm theo. Vì đây là các nội dung nhẹ nhàng, lịch sự, nên khi phụ nữ được phép tranh tài ở Olympic thì đây là những nội dung đầu tiên mà họ được tham dự. Hiện có nhiều giống ngựa ở châu Âu được lai tạo, phát triển các tính khí, tố chất để phù hợp với bộ môn này.

Bản chất của môn thi đấu cưỡi ngựa biểu diễn là một con ngựa sẽ nhảy múa nhưng để không mắc sai sót gì, cuộc thi yêu cầu con ngựa đó phải được luyện tập nhiều và có vận động viên huấn luyện con ngựa đó cùng tham gia. Trong cả đoạn đường ngựa biểu diễn, các thanh viên Ban Giám khảo sẽ xem cách con ngựa đó thực hiện bài kiểm tra theo quy định, từng bước đi và nhún nhảy theo nhạc có thuần thục hay không. Ngoài ra, người cưỡi ngựa và điều khiển ngựa phải thể hiện một tinh thần thoải mái và phong thái quyền quý sang trọng, tao nhã với trang phục bảnh bao quý phái theo phong cách Anh.

Về cơ bản, mục đích của môn thi này muốn con ngựa tham gia thi đấu thể hiện các động tác như thể nó đang tự biểu diễn vì đã được huấn luyện rất kỹ càng. Bất kể các động tác di chuyển như thế nào thì các vận động viên thi đấu đều có thể được ban giám khảo đánh giá bằng thang điểm từ một đến mười. Thực tế nếu tất cả họ đều cho điểm 6 thì phần trình diễn đó khá tốt, các vận động viên thi đấu đạt được số điểm này sẽ được đi thẳng vào vòng thi tiếp theo. Nếu được điểm 9 thì có nghĩa là vòng thi đó rất tuyệt vời.

Nhóm nội dung cơ bản thứ hai là Nhảy ngựa (Jumping): điều khiển cho ngựa nhảy qua chướng ngại vật một cách nhẹ nhàng. Chướng ngại vật có khi cao, có khi dài, khi là rào đơn, khi là rào kép, thậm chí là rào tam cấp. Nhìn chung, cứ phải vượt qua các rào cản trên một lộ trình định sẵn. Đặc biệt có những quy tắc khắt khe trong việc quy định ngựa nhảy qua rào chắn, nếu khi nhảy qua làm đụng rào, rơi rào chắn thì xem như bị lỗi và có thể bị trừ điểm hoặc phạm quy và loại thi đấu. Nội dung thi đấu này có tính nguy hiểm cao, những tai nạn ngã ngựa có thể xảy ra.

Nội dung thi Toàn năng (Eventing) hay còn gọi là thử ngựa. Trong nhóm nội dung này, các cặp “ngựa và nài” phải lần lượt thực hiện tất cả những gì có trong môn cưỡi ngựa, họ phải trình diễn nghệ thuật (Dressage), phải thi các kiểu nhảy ngựa (Jumping), rồi lại phải thực hiện các nội dung băng đồng, tức vượt qua các kiểu địa hình khó khăn mà ban tổ chức dàn dựng cho giống với sự khắc nghiệt của việc cưỡi ngựa băng rừng vượt suối, đua ngựa 3 ngày liên tiếp. Sự kiện này có nguồn gốc từ một bài kiểm tra kỵ binh toàn diện đòi hỏi phải thành thạo một số loại kỹ thuật cưỡi. Cuộc thi có thể diễn ra dưới dạng một sự kiện một ngày (ODE), trong đó cả ba sự kiện được hoàn thành trong một ngày.